Chuyên mục bài viết
( Bạn xem phần trước P1 bài 18a). Thật ra những cú té, thất bại nho nhỏ trong hành trình khởi nghiệp rất nên có để ta trải nghiệm và lớn lên nhanh chóng.
Tuy nhiên có những thất bại lớn ta không nhất thiết phải té. Chỉ cần chịu khó học hỏi, chịu quan sát, chịu lắng nghe, chịu đi từng bước và nhất là luôn học hỏi những người đi trước là cách để ta tránh những cú té đau không nên có trong đời. Bởi vì mỗi lần té ta mất những thứ sau.
1. Mất một đời:
Mình đã chứng kiến những bạn, gôm hết tất cả đánh một cú khi ra khởi nghiệp và mất trắng tay, nợ nần chồng chất, ngập đầu thậm chí bỏ xứ đi luôn biệt tích không dám quay về nữa. Đó là bài học xương máu tuy nhiên khi ta nhận ra thì cũng là lúc ta mất tất cả. Rồi dành cả một đời còn lại để làm trả nợ hoặc phần đời còn lại để trốn nợ. Cú té đau quá mà chính là ta không nên té như vậy trong đời phải không?
Bạn có nhìn thấy ai như vậy chưa? Cách đây 07 năm trước mình chứng kiến một bạn nam từ Huế vào Sài Gòn với tình cảnh rất đáng thương. Bạn vừa làm ăn vỡ nợ rồi trốn vào Sài Gòn một thân một mình bỏ gia đình, vợ con sau lưng. Trong tâm trạng thiểu não vô cùng, sau khi trao đổi mới biết bạn có máu làm ăn lớn quá mà kiến thức là cách kinh doanh của người nghiệp dư, tức là chưa biết gì nhiều về nền tảng cơ bản của kinh doanh mà cứ làm theo kiểu 5 ăn 5 thua.
Dù sao thì bạn ấy cũng mới 34 tuổi thôi, mình chia sẻ giờ bạn vẫn làm lại cuộc đời tốt mà. Sau đó bạn chịu khó cập nhật kiến thức bài bản, học để am hiểu thêm về công nghệ, rồi đi vào kinh doanh vách ngăn tường di động cho văn phòng, nhà ở. Sau 3 năm, bạn dần ổn, trả nợ bớt cho ở quê nhà, đón vợ con vô Sài Gòn. Bạn có đến tâm sự, chia sẻ về cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, mình cũng nói “ Cuộc chơi kinh doanh là cuộc chơi rất dài, nó dài hơn cả cuộc đời bạn, hãy từng bước đi cho vững “ Một câu chuyện khác mình chứng kiến mới năm nay.
Gia đình bạn ấy ra khởi nghiệp cũng 10 năm, có được xưởng may, mua được nhà, xe con, có một vài lô đất. Cũng có chút của ăn của để, tuy nhiên cả 2 vợ chồng đều là dân kinh doanh nghiệp dư, làm ăn theo cảm tính, bản năng, chứ họ không có chút kiến thức nền tảng của người làm chủ chuyên nghiệp Và gần đây anh chồng quyết định chơi lớn, họ muốn trở thành đại gia nhanh mà vợ cản không được, họ lãnh một cú té chí mạng là bán tất cả tài sản rồi ra trọ ở mà vẫn không trả hết nợ, bị những chủ nợ truy đến cùng Nên giờ 02 vợ chồng phải chia tách, vợ dẫn con nhỏ về Bắc sống, chồng dẫn con lớn đi miền Tây sống. Để tìm cách ủ mưu lại. Chứng kiến như vậy cảm thấy đau lòng vô cùng. Họ chỉ thay đổi được khi có cho mình góc nhìn khác về làm ăn.
2. Mất tiền bạc:
Mỗi lần té luôn đi liền với mất tiền, đặc biệt là té khi khởi nghiệp thì mất tiền hơi bị nhiều. Bởi trước đó bạn gom góp dành dụm nhiều năm, rồi tiền mượn, xin, cho cũng bỏ vào kinh doanh, rồi làm bao nhiêu lợi nhuận có được cũng dồn hết vào đó. Tiền đầu tư nhà xưởng, văn phòng, trang thiết bị, máy móc… đến khi bể thì gần như trắng tay. Ai may mắn dừng kịp thời trở về tay trắng, còn ai cố chấp, cố gỡ mà nó té luôn thì xem như mất cả đời.
Chính mình vấp té ở công ty chế biến gỗ, mọi tâm huyết, vốn liếng mình đầu tư vào nhà mấy gỗ, khi té rồi thì máy móc lúc xưa mình bán rẻ như cho, khi mua thì giá hàng xịn, cái may mắn của mình là không bị nợ. Chỉ mất những gì mình có thôi và ra nhà trọ ở để ủ mưu làm lại. Giờ thì mình thấm lắm, bởi đồng tiền mình kiếm được là mồ hôi ướt đẫm, công sức, kể cả sức khoẻ và xương máu. Tiền nó đã ra đi thì khó kiếm lại vô cùng.
3. Mất thời gian:
Đã ra khởi nghiệp là ta dành gần như trọn thời gian cho nó, không phải một ngày 8 tiếng như đi làm thuê mà là 10 tiếng, 12h rồi 16h thậm chí là ăn ngủ ở chỗ làm luôn. Có người hy sinh thời gian cho người yêu, gia đình, con cái, các mối quan hệ. Dành hầu hết thời gian cho công việc, dành cả tuổi thanh xuân và nhiệt huyết tuổi trẻ luôn.
Tuy nhiên sau đó thất bại thì gần như ta đã quá hoan phí thời gian ấy ghê gớm. Cụ thể là mình, nguyên nhân mình có gia đình trễ cũng chính là dành quá nhiều tâm huyết cho kinh doanh, khi nhìn lại thì đã ba mươi mấy tuổi, lúc đó phát hiện ra bạn bè ai cũng có gia đình rồi mà mình thì chưa! Khi té công ty gỗ mình mất 04 năm cho nó, và té xong rồi thì mình mất hết 2 năm tiếp để mọi thứ trở về trạng thái cân bằng.
4. Mất niềm tin:
Hay gọi mà mất mặt ấy Chính mình phải đối diện với cảm xúc nản, không tin vào chính mình. Cái niềm tin, đam mê, nhiệt huyết, tinh thần, ngọn lửa khởi nghiệp… đó, giờ tắt ngúm.
Ta tự đối diện và chất vấn chính mình “ tôi đã sai gì? Tại sao tôi té, sao tôi ra như thế này chứ..? “ Rồi ánh mắt của người xung quanh, nhất là người thân yêu ta họ gần như đổ dầu vào để nỗi đau ấy thêm đau, ai đỡ hơn thì họ xát muối vào vết thương cho nó thêm rát. Mệt nhất là khi ta đã ngã đau rồi thì cơ hội cho người thân ta nói những câu hả dạ “ Lúc xưa, tao đã bảo rồi mà mày không nghe…” đã đuối thì lại càng nghe những lời đuối thêm.
5. Mất mối quan hệ:
Khi bạn đang ngon lành thì ai cũng niềm nở, khi bạn bị té à, gọi điện không ai bắt, nhắn tin họ không thèm trả lời, inbox họ xem không hồi âm…Đa phần mọi người chỉ chơi với bạn khi bạn đang ngon. Còn lại họ tránh bạn khi bị té, thậm chí họ chửi bạn bất kể lý do gì, hoặc nói xấu sau lưng. Tức họ trở mặt 180 độ trong khi trước đó thì khỏi phải nói luôn lúc nào cũng mặn nồng.
Tuy nhiên qua té ngã bạn cũng nhận ra được những mối quan hệ ý nghĩa. Họ đến bên bạn, hỏi thăm, chia sẻ, cùng với bạn tìm giải pháp. Thật là nhóm quan hệ như vậy rất hiếm chiếm chưa đến 10% trong xã hội. Trên là 05 mất mát khi bạn té đau, tất nhiên còn những cái mất khác nữa.
Đó là lý do vì sao ta cần hạn chế thật bại càng nhiều càng tốt để ta đi nhanh hơn. Trong bài viết tiếp theo mình chia sẻ những bài học để đời rút ra qua những lần té.