HIỂU PHÁP LÝ CƠ BẢN RA KHỞI NGHIỆP – Bài 8a

nguyen-thai-duy-20
Câu hỏi mình gặp hoài: Em mới ra kinh doanh thì có nên thành lập công ty không? Thiết nghĩ đây là nhu cầu cần tìm hiểu của bạn mới lần đầu lọ mọ ra kinh doanh cần biết.
 
Bên dưới là nội dung bạn cần đọc để nắm rõ hơn. Tạm thời mình chia 05 cấp độ để bạn dễ hình dung nha:
 
1. Siêu nhỏ ( Nhỏ như Vũng Nước) : Mới lần đầu ra tập toẹ, tập làm kinh doanh giống như xe hủ tiếu gõ, quán cóc bán trứng vịt lộn lề đường với vài cái ghế, xe bánh mì ngay góc đường bán mỗi sáng… thì cũng không cần phải xin giấy phép gì cả. Cơ quan chức năng họ không có đụng tới, ở đây là nói về cơ quan thuế, quản lý thị trường vì họ dư hiểu bạn làm bé xíu ấy mà, kiếm sống qua ngày hoặc đang tập làm kinh doanh.
 
Họ chỉ chờ xem khi nào bạn lớn thôi. Tuy nhiên bên Phường, Xã họ có hỏi thăm bạn đó, nó liên quan đến an ninh trật tự hơn là liên quan đến pháp lý kinh doanh, lúc này tài ăn nói, khả năng uyển chuyển trong giao tiếp bạn sẽ yên ổn làm ăn. Còn không biết cách cũng mệt ấy. Mô hình bán lề đường, góc phố này bạn cũng lưu ý đến các anh hùng khu phố nữa, gọi nôm na là xã hội đen đó, họ đến hay xin bảo kê, xin tiền đóng phí chổ bán, rồi có những nơi bạn bị đối thủ cạnh tranh gần đó đến hù doạ, dằn mặt không kéo bị đánh à.
 
2. Nho nhỏ ( Ao nước – Ao Làng) : Khi làm ăn hiệu quả chút, khách hàng nhiều hơn, bắt đầu bạn làm bảng hiệu có tên tuổi rõ ràng, có nhân viên vài người cũng là lúc thuế Phường, Xã ghé hỏi thăm bạn có giấy phép kinh doanh chưa? Họ cũng không làm căng gì đâu hỏi thăm, nhắc nhở làm giấy phép kinh doanh đúng pháp luật đi, họ cũng dư hiểu kinh doanh như vậy là chưa hiểu luật gì cả.
 
Lúc này bạn cũng nên thành lập Hộ Kinh Doanh Cá Thể thôi. Không biết cách thì hỏi anh cán bộ thuế đó hướng dẫn luôn. Hàng tháng bạn sẽ thấy cán bộ thuế ghé đến nhà bạn, mang theo một cái túi trong đó có biên lai thu tiền thuế, cũng là nơi đựng tiền thuế người kinh doanh đóng, họ phổ biến những luật mới hoặc quy định mới để bạn hiểu, đôn đốc bạn kinh doanh tuân thủ luật pháp.
 
nguyen-thai-duy-20
Lúc này bạn nộp thuế khoán hàng tháng, cán bộ thuế ước lượng doanh thu của bạn mỗi tháng là bao nhiêu đó và tương ứng với doanh thu là mức thuế phải nộp mỗi tháng, dĩ nhiên cán bộ thuế luôn bắt bạn đóng thuế nhiều, tài ăn nói, thuyết phục hai bên sẽ thoả thuận nhau mức thuế đóng mỗi tháng. Hộ kinh doanh cá thể bạn được xuất hoá đơn cho khách hàng. Bạn bán hàng cho công ty lớn hơn là họ yêu cầu hoá đơn việc còn lại là đến cơ quan thuế nhờ họ xuất cho cái hoá đơn ấy, tất nhiên nộp luôn phần thuế đã xuất tờ hoá đơn đó.
 
Ví dụ: Bạn là nhà may Thuý Loan có nhận hợp đồng với công ty Thuý Liễu 30 cái áo đồng phục với giá trị 30 triệu đồng. Bên công ty Thuý Liễu sẽ hỏi bạn có hoá đơn đỏ không?
 
Bạn nói là có vì mình là hộ kinh doanh cá thể. Sau khi may xong bạn ra cơ quan thuế xuất hoá đơn cho công ty Thuý Liễu sau khi nhận hàng nghiệm thu đạt và kèm theo hoá đơn thì công ty Thuý Liễu sẽ xuất chi cho nhà may Thuý Loan 30tr.
 
3. Nhỏ ( Ra Sông ): Lúc này làm ăn lớn hơn nữa, khách hàng nhiều, doanh thu vài trăm cho đến cả tỷ đồng/ tháng, lúc này cơ quan thuế đề nghị bạn lên công ty. Đứng trước quyết định lên công ty gì và chức danh của bạn là giám đốc hay là chủ tịch hội đồng quản trị. Có nhiều loại hình doanh nghiệp muốn kỹ hơn lên Google tìm luật doanh nghiệp đọc kỹ hơn tuy nhiên tựu chung vẫn là 2 loại hình doanh nghiệp chính. Một là công ty trách nhiệm hữu hạn ( TNHH), hai là công ty cổ phần ( CP ).
 
Cả hai loại hình này đều làm to, lớn được tuy nhiên thường TNHH thì nó phổ biến cho doanh nghiệp nhỏ hơn, còn chọn CP là sau này bạn kêu gọi vốn thêm nhiều người hùn hạp, rồi niêm yết chứng khoán lên sàn để gọi vốn công chúng.
 
Tất nhiên khi bạn hỏi tư vấn ở các nơi làm dịch vụ thuế kế toán hoặc những nơi làm thủ tục thành lập họ thường hướng bạn thành lập công ty TNHH họ nói là thủ tục nó đơn giản hơn, còn công ty cổ phần rắc rối hơn. Kinh nghiệm của mình thì đã lập công ty thì lên công ty cổ phần luôn nhé.
 
Ha ha, lên công ty thì cơ quan thuế xem như bạn đã lớn, trưởng thành mặc dù bạn mới ra khởi nghiệp chân ướt, chân ráo chưa hiểu gì về luật thuế cả, tuy nhiên họ mặc nhiên là bạn đã hiểu hết. Không ai nhắc nhở bạn cả, cứ trễ và không làm đúng quy định là ăn biên bản phạt ngay. Đến tháng, đến kỳ là phải nộp báo cáo thuế, phải tự lên chi cục thuế, tự đóng thuế vào tài khoản chỉ cần trễ vài phút so với hạn chót là ăn ngay biên bản phạt, không có cửa để năn nỉ, ren rỉ, xin xỏ gì cả.
 
Bạn cần có kế toán chuyên nghiệp, có thể là bạn thuê làm toàn thời gian, hoặc nhờ các công ty làm dịch vụ này. Đa phần các chủ khởi nghiệp mù tịt chẳng hiểu tí gì về luật thuế nên bạn mướn nhân viên kế toán không có kinh nghiệm hoặc công ty dịch vụ làm ăn chưa tử tế thì hậu quả sau này rất nặng hết 03 năm sau đi bạn sẽ thấy. Khi cơ quan thuế quyết toán nó mới lòi ra cái sai phạm thì thôi rồi nội tiền phạt, truy thu thuế đôi khi sạc nghiệp luôn.
 
Lúc này biết kêu ai, người làm sai, làm bậy đã nghỉ từ năm nào rồi. Người mới vào thì họ lo chỉnh sửa lại sổ sách cho bạn đó. Nên cần nhất là có người quen thân làm bên lĩnh vực này kinh nghiệm tầm kế toán trưởng, lâu lâu nhờ họ xem lại sổ sách có ok chưa, chứ không nên chỉ giao cho nhân viên hoặc dịch vụ làm, cuối cùng công ty của bạn thì bạn lãnh đủ luôn đó.
 
Thậm chí có người mua quyển hoá đơn trên cơ quan thuế về rồi không báo cáo hoá đơn đã xuất. Không những thế bạn bè hỏi: “ Mày xuất hoá đơn cho tao được không ? “Thế là ok lấy ra xuất vô tư, vô tội vạ, xuất cho đã vào. Sau đó mới biết là phạm luật vì không có chứng từ đầu vào, thậm chí lĩnh vực đó công ty đâu có kinh doanh đâu.
 
Họ gán cho cái tội thành lập công ty mua bán hoá đơn, rồi trốn thuế nữa nên đi tù như chơi bởi vì thiếu hiểu biết. Bài viết đến đây bạn thấy hữu ích không? Mình viết tiếp ở phần 2 bài sau vì còn nhiều thứ chia sẻ gom vào 1 bài dài quá.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *