Chuyên mục bài viết
Dù đã nắm được tầm quan trọng của việc lên kế hoạch khởi sự kinh doanh nhưng Nguyễn Thái Duy tôi biết để khiến bạn tự tay viết lên một bản kế hoạch hoàn hảo là rất khó, chính vì thế mà bài viết này tôi dành riêng cho bạn.
Tại sao bạn không thể viết ra một kế hoạch khởi sự kinh doanh hoàn hảo ??
Nguyễn Thái Duy tôi biết, bạn cảm thấy khó khi bắt đầu viết ra 1 kế hoạch kinh doanh, vì bạn thường đặt ra nhiều câu hỏi như: Khi nào nên bắt đầu? Chi tiết kế hoạch như thế nào? Dài bao nhiêu trang?… Và nhiều vấn đề sẽ làm họ lúng túng.
Do đó, trước khi viết, bạn hãy liệt kê những câu hỏi tập trung vào mọi khía cạnh của việc bắt đầu kinh doanh và trả lời những câu hỏi này một cách rõ ràng, càng rõ ràng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Những câu trả lời này có thể sẽ dẫn đến những thông tin khác và những câu hỏi khác.
Độ dài của bản kế hoạch chính là một vấn đề đáng lưu ý. Bản kế hoạch chỉ nên bao gồm những gì thật sự cần thiết để cung cấp đầy đủ thông tin. Có nhiều yếu tố quyết định đến độ dài của bản kế hoạch, phụ thuộc vào sự phức tạp của ý tưởng và đòi hỏi những nguồn tài chính tiềm năng, một bản kế hoạch có thể dài 30 trang không bao gồm phụ lục.
Bạn đừng lo lắng quá nhiều về cách viết, hãy sử dụng ngôn ngữ đơn giản và trực tiếp, câu nên rõ ràng và chính xác. Quan trọng nhất, khi viết bạn nên sử dụng kiểu viết dễ hiểu nhất cho người thực hiện. Nên tránh những trạng từ diễn tả cảm xúc và khoa trương.
Kết cấu của một bản kế hoạch khởi sự kinh doanh hoàn hảo cho bạn
Bản kế hoạch khởi sự kinh doanh của bạn nên được viết một cách logic để người đọc có thể theo dõi và biết được những gì bạn muốn truyền tải. Bên dưới chính là kết kết cấu của một bản kế hoạch kinh doanh hoàn hảo bạn có thể tham khảo và làm theo:
Đầu tiên chính là “Trang bìa” của bản kế hoạch
Lời khuyên cho bạn là hãy tạo một trang bìa thật đơn giản, bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax với mã vùng và địa chỉ email của công ty bạn. Tốt nhất là để hình ảnh sản phẩm hoặc nếu doanh nghiệp kinh doanh về dịch vụ hãy để logo của bạn lên trang bìa.
Thứ hai chính là phần “Mục lục” của bản kế hoạch
Phần mục lục vô cùng quan trọng vì nó giúp người đọc tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và dễ dàng. Thông thường nhiều người không chú ý đến phần này, hoặc nếu có làm thì cũng làm sơ sài và hay quên đánh số trang.
Thứ ba đó là phần “Tóm tắt ” bản kế hoạch
Hầu hết những người khởi nghiệp thành công đều có những bản tóm tắt rõ ràng và súc tích về những nội dung kinh doanh cơ bản của họ. Nếu bạn thấy khó để nói chính xác những dự định mà bạn sẽ làm, đó là dấu hiệu cho thấy bạn chưa xác định một cách chính xác mục tiêu cũng như chưa sẵn sàng tham gia vào việc kinh doanh.
Thứ tư là phần “Kế hoạch quản lý và tổ chức” của doanh nghiệp bạn
Phần này bạn nên viết để thể hiện rõ ai sẽ làm tốt những công việc được mô tả trong bản kế hoạch, ai sẽ là người quản lý đội, nhóm? Thành công của dự án phần lớn là từ người khởi đầu. Nhưng bạn sẽ không làm một mình mà cần nhiều người tham gia vào. Bạn cũng cần phải suy nghĩ đến vấn đề này trước khi bắt tay vào khởi nghiệp bằng việc phác thảo rõ ràng trong bản kế hoạch kinh doanh của mình.
Thứ năm là phần “Kế hoạch sản phẩm/dịch vụ” của doanh nghiệp
Tất nhiên để kinh doanh bạn không thể nào thiếu Sản phẩm/dịch vụ được nên phải được đề cập đến trong bản kế hoạch. Bạn tuyệt đối tránh sa đà vào những thông tin chi tiết về kỹ thuật. Những thông tin này có thể cung cấp trong phần phụ lục của kế hoạch kinh doanh. Trong phần này bạn cũng cần phải khẳng định được sản phẩm hay dịch vụ của mình khả thi và sẵn sàng để kinh doanh.
Thứ sáu là phần “Kế hoạch marketing” cho doanh nghiệp
Kế hoạch marketing ngày càng quan trọng và là yếu tố quyết định đến sự thành bại của một doanh nghiệp do đó khi viết phần này bạn nên viết Mục tiêu marketing là gì? Kế hoạch tổng quát để đưa sản phẩm ra thị trường; Ai là khách hàng mục tiêu? Phân khúc thị trường nào công ty sẽ phục vụ? Công ty sẽ sử dụng kênh phân phối nào? Quảng cáo, quan hệ công chúng, hội chợ thương mại và những hoạt động khác cũng phải được lên kế hoạch.
Thứ bảy là phần “Kế hoạch tài chính” cho doanh nghiệp
Bạn sẽ không thể lê được kế hoạch tài chính khi tất cả những kế hoạch trước đó chưa được trình bày vì tổng số tiền phải dựa trên những kế hoạch mà bạn dự định làm. Bạn cần phải hoạch định tài chính cho từng giai đoạn phát triển của công ty từ ý tưởng, bắt đầu, phát triển đến bão hòa và giai đoạn cuối là sáng kiến mới hay suy thoái.
Thứ tám chính là phần “Hệ thống quản lý và điều hành”
Nếu đã bước vào công việc kinh doanh bạn phải hiểu rõ tầm quan trọng của hệ thống quản lý và điều hành để chắc chắn rằng mọi việc phải được diễn ra như dự tính. Trong bản kế hoạch kinh doanh, bạn nên trình bày mình sẽ thiết kế và thực hiện hệ thống quản lý và điều hành nên như thế nào.
Thứ chín là phần “Kế hoạch phát triển dài hạn”
Để công việc kinh doanh luôn bền vững thì phần kế hoạch này là không thể thiếu. Khi viết phần này bạn cần phải dự đoán và hoạch định những sản phẩm/dịch vụ nào có khả năng mở rộng? Những thị trường nào khác sẽ phục vụ? Hoặc bạn định mở thêm văn phòng, chi nhánh ở đâu?
Thứ mười chính là phần “Phụ lục”
Phần cuối cùng này ở bản kế hoạch có ý nghĩa làm gọn lại những thông tin mà bạn cần bổ sung cho kế hoạch. Do đó, phụ lục có chiều dài dựa trên tổng số thông tin chi tiết cần có để hỗ trợ cho kế hoạch kinh doanh. Nếu phần phụ lục quá dài, có thể chia ra thành một tài liệu riêng. Nên có bản mục lục của phụ lục để có thể dễ dàng tìm những thông tin đặc biệt.
Duy tin khi bạn đã đọc đến cuối dòng này thì sự quyết tâm trong bạn rất cao và bạn chỉ việc bắt tay vào viết cho mình một bản kế hoạch khởi sự kinh doanh hoàn hảo cho mình thôi.