KINH DOANH GÌ THÌ NHANH GIÀU? – Bài 6a

nguyen thai duy 19

Mình thỉnh thoảng nhận được câu hỏi “ Em có 100 triệu giờ kinh doanh gì thì nhanh giàu ?” Hoặc “ em có 50 triệu giờ kinh doanh gì đây? “ hay “ em có chút vốn mà chưa biết làm gì? “.

Nếu bạn đang hỏi những câu hỏi kiểu như trên thì chia sẻ là bạn chưa nên ra kinh doanh gì vội cả, nhất quyết vậy đi nhé, mà dành thời gian quan sát nhiều hơn, tham gia nhóm kinh doanh, đi cafe nhiều với người đã làm kinh doanh, đọc sách, tìm hiểu, trang bị cho mình nền tảng kiến thức cơ bản về kinh doanh đã. 

Qua quan sát và trải nghiệm hơn 25 năm lăn lộn trên con đường kinh doanh mình nhận ra có 03 nhóm bắt đầu ra kinh doanh sau:

Nhóm 1: Không biết chút gì về kinh doanh tuy nhiên muốn ra làm kinh doanh
Thường là những bạn làm công nhân, nhân viên văn phòng, làm công chức, có người thi rớt đại học, có người chưa học hết cấp 3, có người bị sa thải, bị đuổi việc, có bạn làm thuê lâu ngày ngán quá… nên ra chọn làm kinh doanh.

nguyen thai duy 19

Đặc trưng của nhóm này hay hỏi là em không biết bắt đầu từ đâu? Em không biết kinh doanh sản phẩm gì? Có lĩnh vực nào dễ làm không chỉ em với? Em có ít vốn giờ kinh doanh gì thì nhanh giàu? 

Nhóm này mà ra kinh doanh là dễ té nhất đây, sẽ mất tiền, mất vốn mà còn âm nợ nữa, mà có làm được chút thì họ bị dính vào công việc họ tạo ra đó, chủ yếu là họ buôn buôn, bán bán để kiếm tiền sống. Mình hay gọi họ là khởi nghiệp mưu sinh

Cách suy nghĩ của họ là: Cứ ra làm thôi, đến đâu hay đến đó – Ông trời không phụ lòng người siêng năng chăm chỉ, có công mài sắt có ngày ra cây đinh cùi chứ không phải ra kim. Chăm chỉ mỗi ngày chăm bón cây thì mình sẽ có trái ngọt. Tuy nhiên họ thường lãnh trái đắng.

Giải pháp cho nhóm này: Trang bị kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về chuyên môn lĩnh vực mình làm, tiếp nữa là trang bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệp về kinh doanh. Nên đi từ từ, rất chậm để học hỏi, mất khoản 3 năm mà vẫn còn sống thì ok đó.

Nhóm 2: Có chuyên môn, có tay nghề. Tất nhiên phải là làm được, làm giỏi nghề. Thường là đầu bếp nấu cho các quán lâu ngày nên giỏi. Dân kế toán làm việc trên 5 năm, nhân viên viết website cho công ty, thợ hớt tóc lâu năm, nhân viên thiết kế đồ hoạ, thợ sửa xe máy hay garage oto.

Nhóm này ra làm cái họ giỏi chuyên môn. Kiểu như tôi mở tiệm bánh vì thôi thích làm bánh. Thế là ra làm bánh, khách đến mua bánh khen ngon, rồi khách càng ngày càng đông, thế là họ bận, bận quá bận và cái họ mở ra đó trở thành thảm hoạ.

Nhóm này ra khởi nghiệp ít bỏ cuộc hơn nhóm 1 tuy nhiên họ bị mắc bẫy vào cái chuyên môn của mình. Họ nghĩ là làm chủ để không phải nghe lời sếp và chẳng bao lâu sau chính cái họ tạo ra nó lại là sếp của họ.

Họ chỉ biết làm bánh, họ chỉ biết nấu ăn, họ chỉ biết cắt tóc, sửa xe nên tầm nhìn của họ không vượt quá 20 m2 vuông của cái bếp. Họ thiếu một tầm nhìn chiến lược vượt ra khỏi cái bếp, họ chưa biết cách lập kế hoạch kinh doanh, không thật sư am hiểu về marketing, về bán hàng, về tài chính, dòng tiền, thuế và pháp lý, rồi nhân viên và lương, thưởng..

Giải pháp cho nhóm này là: Vừa làm và dành thời gian học hỏi về kiến thức khởi sự kinh doanh, về nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực tài chính, năng lực lãnh đạo, kết nối mối quan hệ với nhà cung cấp, với ngân hàng, với những người làm kinh doanh.

Nhóm 3: Nhóm làm quản lý, hoặc biết mỗi thứ một ít mà chưa hệ thống hoá thành từng công đoạn, từng bước cụ thể. Nhóm này có vốn khá nhiều do những năm tháng đi làm thuê tích luỹ.

Cái bệnh của họ là cái tôi lớn, nhất là muốn chứng tỏ, hay tỏ vẻ ta am hiểu nhiều, ta biết hết rồi, tham gia các lớp học về kinh doanh hay nói, hay phát biểu, nói đến mô hình kinh doanh nào cũng biết, hay khoe mình đã làm việc với ông chủ A, chủ B.

Nhóm này ra là muốn làm lớn, hoành tráng, muốn đi nhanh, cách đi là họ hay dùng sức mạnh về tiền để làm, họ rất giỏi chi để mướn văn phòng đẹp, sắm trang thiết bị mới, tuyển nhân viên vào ồ ạt và phần lớn là họ té rất nặng.

Bán nhà, bán đất, mượn nợ làm một cú và đi đứt luôn thường là nhóm này. Đặc trưng của họ là nghĩ lớn, làm lớn, họ làm quản lý cho các công ty lớn, đi nhiều, nên biết nhiều ông chủ thấy người ta làm được nên họ nghĩ họ làm được.

Kiểu như mình ngồi trên sân xem đá banh nhiều năm, thấy cầu thủ đi banh như thế nào biết hết, rồi họ tưởng rằng mình giỏi đá banh, thế là chạy ra sân cầm trái banh lấy hết sức đá một cái nó bắn lên trời. Ngay giây phút đó họ mới sụp đỗ nhận ra đá banh vào cầu môn không đơn giản như họ nghĩ.

Giải pháp cho nhóm này: Chịu khó đi học kinh doanh từ đầu và đến lớp là để học chứ không phải khoe khoan anh đã làm này, làm kia, biết ông này không kia. Tiếp nữa là cần có người Mentor bên cạnh và nghe lời Mentor dẫn dắt.

Tập khởi sự kinh doanh từ vốn ít. Ví dụ : bỏ ra 10 triệu để khởi nghiệp thôi, vốn còn lại cất đi. Suy nghĩ lớn tuy nhiên đi từng bước nhỏ để cảm nhận hành trình làm ông chủ, qua 3 năm với 10 triệu mà làm cho nó nở lên 500 triệu thì ngon.

Bạn thuộc nhóm nào? Bạn có nhận ra chính mình không? Bài học là gì nhỉ? Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết này!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *