Đọc tiêu đề chắc bạn thắc mắc và tò mò phải không? Điều bạn hay nghe “ Thất bại là mẹ của thành công “ và đôi khi quán tính suy nghĩ như vậy.
Theo mình câu trên nó chỉ đúng trong một chừng mực mà những thất bại ấy nho nhỏ để ta rút kinh nghiệm sau khi té rồi đứng dạy làm tiếp như: Đánh văn bản lỗi thì đánh lại, chỉnh sửa một đoạn video tệ quá thì làm lại đoạn mới hay hơn.
1. Hay mình nói là người khôn ngoan họ chọn cách THẤT BẠI THANH LỊCH tức là sau cú té đó ta dễ dàng đứng dậy, rút ra bài học rồi đi tiếp. Khi ra khởi nghiệp ta chọn làm thử nhỏ trước như lấy một ít hàng mẫu về đi chào hàng xem có ai quan tâm không? Họ quan tâm cái gì? Nếu bán không được thì mất tiền ít để có cơ hội làm lại lần 2. Hoặc mới ra thì mở quán nho nhỏ vỉa hè bán xem ok không? Nếu chưa thì điều chỉnh làm lại tốt hơn.
Mình còn nhớ thời sinh viên mấy đứa bạn hùn lại làm xe bánh mì bán ở đường Điện Biên Phủ, Bình Thạnh. Trước đây đường này nhỏ xíu à, nó có bến xe Văn Thánh và chợ Văn Thánh ở gần nhau, giờ bến xe đó không còn dời sang bến xe Miền Đông, còn chợ Văn Thánh đập bỏ xây cao ốc. Ba thằng tính ra mở xe bán bánh mì.
Là dân học quản trị kinh doanh nên cũng đi nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng lắm đoạn đường Điện Biên Phủ từ chợ Văn Thánh, đến bến xe và qua bên kia cầu Văn Thánh có 08 xe bánh mì người ta bán trước đó, họ là dân buôn buôn bán bán mưu sinh. Họ bán chưa được sạch sẽ, cách xe trang trí cũng không chăm chút, họ chủ yếu bán bánh mì thịt với bì thôi, tay chân không dùng bao tay chưa vệ sinh cho lắm…
Sau khi nghiên cứu xong nhóm mình quyết định ra cách đi riêng – Đúng bài học trong sách vở mà. Chọn vị trí đối diện bên này đường cũng là đối diện cổng bến xe, chọn bán bánh mì thịt heo quay và ốp la để khác biệt, tụi mình đều mặc đồng phục, xe bánh sạch sẽ tinh tươm háo hức ra bán. Ngày đầu tiên từ 4h30 đến 9h bán được 22 ổ, trong khi bên kia xe nào trung bình người ta bán cũng 300 ổ, có xe 500 ổ, tụi mình tự an ủi nhau tại mới ra mà, khách chưa biết. Và cả tuần sau đó cũng vậy sáng nào cao nhất là 55 ổ.
Nhìn mặt 3 thằng, thằng nào cũng buồn thiu trông mất phương hướng, mình đánh bạo đến hỏi chú xe ôm đang đứng mỗi ngày gần đó, mở một tuần chú là khách hàng mua nhiều nhất.
Chú nói: Tao thấy tụi mày làm sạch sẽ, ăn ngon, nhất là món heo quay nên mua và ủng hộ tụi mày. Với thấy bán ế quá nên cũng thương cho tụi bay. Nghe đau không bạn?
Mình hỏi: Chú có biết lý do sao tụi con vắng khách quá không?
Chú xe ôm: Mẹ, tụi mày chẳng hiểu gì, khách đi xe họ rất vội, cần đếch gì bánh mì ngon, họ mua bỏ bụng vội rồi đi lên xe, ăn đỡ đói chứ ngon gì?
Tiếp theo là tụi mày đứng sai vị trí, bên kia đường nó thuận cho khách hơn, bên này trái rồi… Ha ha ha, 03 thằng dân QTKD nghe chú xe ôm dạy về kinh doanh vỡ mặt luôn, thằng nào cũng như tỉnh ra giấc mộng, nào là nghiên cứu, là khác biệt, thương hiệu, vị trí…
Sau đó một tháng tụi mình đứa nào cũng nản và dừng lại. Vì khi qua bên kia đường lập tức ngày nào cũng bị, mấy chủ xe bên đó đi qua cảnh cáo “ tụi mày biến, mai mà còn đứng đây tao đập bể xe”. Năn nỉ cho tụi em bán hết tháng để chốt lại sổ rồi nghỉ luôn. Cú té nhè nhẹ ấy nó làm cho tụi mình lớn lên thấy rõ. Một thất bại thanh lịch nhẹ nhàng. Nó cho mình và nhóm bạn bài học kinh doanh đầu đời và theo mãi suốt đến giờ trên hành trình cuộc sống.
2. THẤT BẠI KHỔ ĐAU NÓ LÀ ÔNG NỘI CỦA THẤT BẠI – Không phải thất bại là mẹ của thành công. Trong cuộc đời có những thứ ta không nên thất bại và cũng không được phép thất bại. Đó là những cú té chí mạng. Tôi đã chứng kiến một số người quen đã té trong kinh doanh lớn quá nên họ dùng suốt phần đời còn lại để trả nợ – Điều này ta nên tránh!
Ta không nhất thiết phải lấy tay sờ vào điện 220 Volt để biết nó mạnh như thế nào. Ta không nhất thiết phải đạp lên lửa mới biết than đỏ nó nóng. Ta không cần phải trải qua tại nạn xe mới rút ra lần sau không nên. Có một bạn muốn ra khởi nghiệp cách đây 5 năm trước, có đến gặp mình hỏi. Sau khi trao đổi mới biết cả 02 vợ chồng hồi giờ chưa một lần ra làm kinh doanh dù rất nhỏ.
Họ học, ra trường, đi làm thuê sau hơn 10 năm chán cảnh làm thuê nên muốn làm kinh doanh. Họ định ra làm lớn ngay, mình chia sẻ chịu khó tập tành buôn bán nhỏ để tập kinh doanh trước, dành thời gian đi học để để hiểu biết về kiến thức kinh doanh, 02 năm sau khi nắm được những yếu tố cơ bản của kinh doanh rồi mới khởi sự be bé trước rồi 5 năm sau mới làm lớn hơn.
Tuy nhiên, cái cảm xúc của 2 bạn ấy là đã ra làm thì làm to vì nghỉ việc ở công ty nói ra khởi nghiệp làm nho nhỏ sao được!? Rồi họ đi về, không thấy liên lạc gì nữa, đâu đó hơn một năm sau người vợ inbox nói chuyện với mình rằng. Tụi em đã bán nhà được 2,5 tỷ đồng để xây xưởng cơ khí và giờ tụi em trắng tay rồi. Mình nghe cũng hết hồn luôn không hiểu sao bạn ấy bạo gang vậy chứ?
Bạn nói rằng, em có ông anh chồng cũng làm vậy và giờ thành công lắm nên ông xã em cũng chơi liều luôn. Giờ tụi em mất phương hướng lắm luôn. Ta không cần thất bại như trên mới học được bài học thành công. Thật ra có những thất bại nó được lặp đi lặp lại mà ta chỉ cần quan sát, học hỏi, mổ xẻ, phân tích là có thể học được, không cần phải chui đầu vô rồi la à lên “ Ôi, sao thất bại rồi “.
Ta có thể tránh được thất bại mà vẫn học được bài học thành công. Bởi hậu quả cuộc thất bại rất lớn nó làm cho ta mất THỜI GIAN, TIỀN, CẢM XÚC TÂM LÝ, UY TÍN mà tránh được thì vô hình trung ta tiết kiệm được nguồn lực khổng lồ trên. Vậy giải quyết nó như thế nào?
Bạn đón đọc ở bài tiếp theo Phần 2 – Bài 19a nhé. Bạn học được gì qua bài chia sẻ trên? Cho mình comment bên dưới bài viết nhé!